GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1/ 2021
CUỐN: CA DAO VIỆT NAM VÀ NHỮNG LỜI BÌNH
Kính thưa các thầy cô và toàn thể các em học sinh thân mến!
Mỗi một dân tộc, một quốc gia trên thế giới đều có những nét đặc sắc riêng về văn hoá. Với Việt Nam chúng ta, bản sắc văn hóa độc đáo ấy không chỉ được thể hiện qua những phong tục tập quán tốt đẹp, những lễ hội truyền thống, những làn điệu dân ca mượt mà, êm ái..., mà nó còn được lưu trữ trong những kho tàng dân gian và được truyền lại từ đời này qua đời khác thông qua hình thức ngôn ngữ nói (trước đây) và viết (sau này) - đó là ca dao, tục ngữ dân gian.Tục ngữ, ca dao là phần phong phú nhất trong văn học dân gian của dân tộc ta. Đây cũng là phần có giá trị nhất về mặt trí tuệ, tình cảm và nghệ thuật biểu hiện.
Với mỗi người dân đất Việt, ca dao, tục ngữ là nguồn nuôi dưỡng sự trong sáng, vẻ đẹp của tâm hồn, là hành trang giúp chúng ta trau dồi văn hóa, kĩ năng sống trong cuộc đời. Chính bởi lẽ đó, hôm nay, tôi xin giới thiệu đến quý thầy cô giáo và các em học sinh cuốn sách “ Ca dao Việt Nam và những lời bình” của tác giả Vũ Thị Thu Hương (tuyển chọn).
Cuốn sách bao gồm 343 trang được in theo khổ 14,5 x 20,5 cm do NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2009. Cuốn sách là những trang phân tích, bình giảng hấp dẫn, chân xác về giá trị phổ quát của ca dao và những bài ca dao tiêu biểu.Cuốn sách gồm hai phần:
Phần 1: Tục ngữ ca dao - những đặc điểm nổi bật. Qua nghiên cứu của các tác giả: Vũ Ngọc Phan, Vũ Tú Nam, Mã Giang Lân, Cao Huy Đỉnh, Minh Hiệu, Mai Ngọc Chừ, Nguyễn Xuân Lạc, v.v…đã làm sáng tỏ những đặc điểm của tục ngữ, ca dao mà nổi bật lên là tính truyền miệng, tính tập thể và tính thực hành trong các sinh hoạt khác nhau của đời sống cộng đồng. Đồng thời cũng cho thấy tục ngữ và ca dao là hai thể loại văn học dân gian có nhiều điểm giống nhau và khác nhau nên có sự xâm nhập đan xen giữa chúng.
Phần 2: Đến với những bài ca dao tiêu biểu. Ở phần này, những bài bình giảng ca dao ( cũng của các tác giả phê bình có uy tín ) thật dễ khiến cho độc giả mê say, yêu thích: Khi thì như đang sung sướng, tự hào đứng ngắm cảnh đẹp của quê hương - đất nước mình; khi thì như được tắm mình trong không khí sinh hoạt văn hóa truyền thống với các cuộc hát giao duyên, hát ví, hát ghẹo…, Khi thì mỉm cười như vừa vô tình nghe được lời tỏ tình hết sức kín đáo và tế nhị của một đôi trai gái làng quê nào đó… Chất men kì lạ ấy trước hết được tỏa ra từ cái hay, cái đẹp, cái duyên dáng của ca dao cổ - những tác phẩm văn học đã vượt chặng đường thời gian “những mấy ngàn năm” ( Xuân Diệu) để trở thành những viên ngọc thơ dân gian long lanh, mãi mãi tỏa sáng trong hồn dân tộc. Đó là: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”, “Gió đưa cành trúc la đà”, “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài”, “Anh đi anh nhớ quê nhà”, …Được thử thách qua không gian, thời gian và lòng người, được gọt rũa bởi hàng vạn nhà thơ dân gian vô danh, ca dao Việt Nam đã trở thành những viên ngoc quý óng ánh trong kho tàng văn học dân gian dân tộc.Ca dao bảo vệ chân thiện mỹ, đề cao cái đẹp cái hay, chỉ trích cái xấu trong xã hội loài người. Ca dao tục ngữ là một hành trình tìm về cội nguồn của nước Việt Nam mến yêu.
Đọc ca dao để thấy khí thiêng sông núi Việt, đọc ca dao để thấy tinh thần hiện hữu, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt. Càng thấy được ý thức dân tộc và sức mạnh tinh thần của người Việt, thấy tinh thần kháng chiến quật cường của người Việt nhất định không chịu đồng hoá. Mùa xuân đang đến gần chúng ta lại được đắm mình trong những lời ăn tiếng nói mộc mạc, bình dị mà tha thiết đằm thắm.
Xin mời thầy cô và các em hãy đón đọc cuốn sách “Ca dao và những lời bình” tại Thư viện trường THCS Long Xuyên để một lần nữa lắng sâu trong điệu hồn dân tộc nhân dịp tết đến xuân về. Sách hiện đang có trong thư viện với số đăng kí: STKC-00144.